Ngành sản xuất điện của Việt Nam trong vài năm trở lại đây được định hình rõ nét bởi 04 đặc điểm chính. Thứ nhất là tăng cường sản xuất điện với các dự án điện mặt trời, điện gió, và thủy điện đã được triển khai rộng rãi nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao; Thứ hai là đầu tư vào năng lượng tái tạo với sự tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và điện thủy điện; Thứ ba là mở cửa thị trường điện để tạo sự cạnh tranh và khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Thứ tư đầu tư vào hạ tầng điện để nâng cao năng lực sản xuất và phân phối điện. Các dự án mở rộng và nâng cấp lưới điện đảm bảo khả năng cung ứng điện ổn định và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Trong cơ cấu sản lượng điện phân theo nguồn, thủy điện và nhiệt điện chiếm tỷ lệ cao nhất. Vài năm trở lại đây, trong cơ cấu nguồn điện có thêm năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió … Thống kê cơ cấu công suất nguồn điện toàn hệ thống đến cuối năm 2022, ngành năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, sinh khối) đã chiếm tỷ lệ khoảng 26,4%.
Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Nắm bắt được các cơ hội phát triển chung của toàn ngành, các doanh nghiệp sản xuất điện gần đây đã chú ý nhiều hơn đến các đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị và điều hành doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo ở đây không chỉ giới hạn trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh mà còn bao hàm cả ý nghĩa thay đổi, nâng cấp quy trình vận hành, cải tiến các chính sách lao động, phúc lợi… để góp phần tạo ra hiệu quả kinh doanh ổn định và có tiềm năng tăng trưởng tương lai.
Trong nghiên cứu về tình hình đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp điển hình của ngành điện cũng cho thấy 03 đặc điểm nổi bật tại các doanh nghiệp trong ngành. Thứ nhất, nâng cao quản lý và tối ưu hóa hoạt động với các công nghệ và phần mềm quản lý mới đã được áp dụng để theo dõi và điều phối các hoạt động cung cấp và phân phối điện, điển hình như tại Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), doanh nghiệp điện trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả lĩnh vực Năng lượng – Hoá chất (VIE10) với vị thế nhà phát điện độc lập (IPP) quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là ở khu vực tam giác kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ.
Thứ hai, phát triển và ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Công nghệ mới được áp dụng để tối ưu hóa hiệu suất sản xuất điện từ các nguồn này và đóng góp vào việc giảm khí thải carbon. Công ty Cổ phần Điện gió Gia Lai cũng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong Danh sách VIE10 về Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả đã triển khai phát triển nguồn năng lượng tái tạo này trong thời gian qua.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp điện tại Việt Nam đã hợp tác với các đối tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và tiếp thu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và quản lý điện. Sự hợp tác này đã giúp nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện hiệu suất hoạt động và áp dụng các công nghệ tiên tiến.
Nhìn chung, đổi mới sáng tạo đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến bộ của các doanh nghiệp điện tại Việt Nam. Bằng việc áp dụng công nghệ mới, phát triển nguồn năng lượng tái tạo và khuyến khích sự khởi nghiệp và sáng tạo, các doanh nghiệp điện đã đóng góp vào việc cung cấp năng lượng bền vững và hiệu quả cho đất nước.