Chương trình vinh danh Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân trong các ngành kinh tế chủ lực năm 2024, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Top 10 Most Innovative Enterprises (Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả – VIE10). Đây là những doanh nghiệp có tiềm năng và hiệu quả kinh doanh tốt nhờ tăng cường áp dụng và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cách tân.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh tầm quan trọng của đổi mới, sáng tạo, cách tân trong phát triển đất nước và doanh nghiệp.

Danh sách VIE10 ngành Logistics và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình https://vie10.vn

Danh sách 1: Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả ngành Logistics 2024 – Nhóm Giao nhận, Kho bãi

Danh sách 2: Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo ngành Logistics 2024 – Nhóm Bưu chính, Chuyển phát

Danh sách 3: Top 5 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo ngành Logistics 2024 – Nhóm Khai thác cảng

Danh sách 4: Top 5 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo ngành Logistics 2024 – Nhóm Vận tải hàng hóa

Logistics 2023-2024: Ngược mùa gió chướng

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI – Logistics Performance Index), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa trong nước ước đạt 608,57 triệu tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023 trong đó vận tải hàng hóa bằng đường bộ ước đạt 454,92 triệu tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023, vận tải đường sắt ước đạt 1,2 tỷ tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2023, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ước đạt 94,4 nghìn tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ước đạt 32,55 triệu tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023. Về lĩnh vực giao nhận, chuyển phát cho thấy hiện nhu cầu về chuyển phát nhanh thương mại điện tử tăng cao nên lượng đầu tư vào ngành này cũng tăng mạnh và hình thức nhượng quyền bưu cục đã và đang thu hút đầu tư nhờ tiềm năng thị trường lớn và mức tăng trưởng ổn định.

Năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi, dù tốc độ còn chậm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ logistics tìm lại đơn hàng, phục hồi kinh doanh. Các dự báo đều nhận định trong năm 2024, một trong những nhân tố chính là động lực tăng trưởng của thị trường logistics toàn cầu tiếp tục là sự phát triển của thương mại điện tử, cũng như những cải thiện về hạ tầng và khả năng kết nối tốc độ cao. Các động lực và xu hướng khác của thị trường bao gồm: xu hướng chuyển đổi số và tự động hóa, sự gia tăng của nhu cầu vận tải thủy và thị trường logistics hợp đồng.

Sáng tạo trong các doanh nghiệp Logistics

Ngành logistics đang thay đổi đáng kể theo hướng số hóa và tự động hóa. Công nghệ trong lĩnh vực logistics không chỉ dừng lại với “track & trace” (kiểm soát và theo dõi), mà nhiều doanh nghiệp còn đang tìm cách hiển thị cả chuỗi cung ứng của mình. Theo khảo sát các doanh nghiệp Logistics trong VIE10 năm 2024 của Viet Research, 82% DN logistics cho rằng cần thiết phải đổi mới quy trình vận hành và quản trị nội bộ và phát hiện các công nghệ và xu hướng mới đóng vai trò rất quan trọng tới sự thành công trong đổi mới sáng tạo cách tân của DN mình.

Các DN logistics trong VIE10 ngày càng chú trọng áp dụng các công nghệ, như: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy (Machine learning), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Thực tế tăng cường (AR) và Robots để tối ưu hóa các hoạt động logistics, gia tăng tự động hóa kho bãi, cung cấp thông tin chuyên sâu, dự báo nhu cầu, quản lý hoạt động theo thời gian thực…, từ đó giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Công nghệ chuỗi khối cũng được các DN logistics quan tâm đầu tư ứng dụng, do công nghệ này cho phép ghi lại các giao dịch một cách an toàn và lâu dài, kiểm tra và điều phối các giao dịch trong chuỗi cung ứng, nâng cao độ tin cậy của dữ liệu được chia sẻ, số hóa các hợp đồng và giấy tờ cần thiết, nhờ đó loại bỏ các bên trung gian kiểm tra hồ sơ giấy tờ, giảm chi phí logistics.

Một số doanh nghiệp logistics điển hình trong VIE10 Tổng công ty Hàng hải Việt Nam với các công ty con như Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng triển khai cổng container tự động (autogate) tại cảng Đà Nẵng để kiểm tra, nhận dạng mã container; nhận diện biển số xe; điều khiển tự động đóng/mở barrie, đọc chỉ số đầu cân điện tử dựa trên việc áp dụng thuật toán và trí tuệ nhân tạo, đồng thời, gửi các thông tin qua ứng dụng trên điện thoại di động cho bên vận chuyển….giúp thời gian chờ đã giảm từ 3 – 4 phút, xuống còn 25 – 30 giây cho mỗi lượt xe container. Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã hoàn thiện và ứng dụng hệ thống giao nhận cổng tự động (smart gate) tại chi nhánh cảng Tân Vũ giúp thời gian lái xe dừng tại cổng để làm thủ tục đã giảm từ 3 – 5 phút/xe container xuống chỉ còn 10 – 25 giây. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng là doanh nghiệp điển hình chủ động hội nhập kinh doanh trong hoạt động đổi mới sáng tạo cách tân với hệ thống quản lý điều hành vận tải (OTM), phần mềm dịch vụ cảng điện tử (ePort), hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM), công nghệ quản lý kho hàng điện tử (EWMS). Viettel Post cũng đã phát triển tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh, đây là tổ hợp chia chọn có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam, sử dụng robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).

Theo nghiên cứu của VietResearch, trong vòng 5 năm tới, xu hướng công nghệ được ưu tiên ứng dụng trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm: Tối ưu hóa hàng tồn kho và mạng lưới, Điện toán đám mây và lưu trữ, Cảm biến và nhận dạng tự động, Phân tích nâng cao, Công nghệ không dây và di động, Robots và tự động hóa, In 3D, Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Blockchain, Xe không người lái và máy bay không người lái.

Hiện nay các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics lớn nhất thế giới đều đã có mặt và họat động tại Việt Nam, điều này tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới nhanh hơn, phải chuyển đổi số, thông minh hóa hệ thống mạng lưới để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Danh sách Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 ngành Logistics sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề Cách tân để Phát triển” tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 24 tháng 06 năm 2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vie10.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.