Chương trình vinh danh Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả

Trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo và cách tân trong các doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, Viet Research phối hợp với Báo Đầu tư công bố Top 50 Most Innovative Enterprises (Top 50 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả – VIE50). Đây là những doanh nghiệp có tiềm năng và hiệu quả kinh doanh tốt nhờ tăng cường áp dụng và đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cách tân.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và cách tân trong giai đoạn kinh tế mới, tôn vinh và thúc đẩy nỗ lực đổi mới, sáng tạo, cách tân của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệu quả kinh doanh và Thành tựu đổi mới sáng tạo là hai tiêu chí chính để đánh giá và lựa chọn các doanh nghiệp trong danh sách Top 50 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 (VIE50).

Danh sách đầy đủ VIE50 và phương pháp nghiên cứu được đăng tải trên Cổng thông tin của chương trình: www.vie50.vn

Danh sách TOP 10 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VIE50 của Viet Research tháng 4,5/2024

Đổi mới sáng tạo: Vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp đầu ngành

Đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn ở việc tạo ra các sản phẩm mới, mà còn bao gồm việc cải tiến quy trình sản xuất, phát triển các mô hình kinh doanh mới và nâng cao hiệu quả quản lý. Đổi mới sáng tạo giúp tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế. Đối với nền kinh tế quốc dân, đổi mới sáng tạo giúp tăng cường năng suất lao động thông qua tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí và tăng cường năng suất. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định để các quốc gia duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các quốc gia có nền tảng đổi mới sáng tạo mạnh sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường xuất khẩu và mở rộng thị trường. Đổi mới sáng tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội. Các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và các giải pháp bền vững khác giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Theo nghiên cứu của Viet Research và số liệu từ báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tăng lên 1.2% trong năm 2022, so với 0.9% năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp so với mức trung bình của các nước ASEAN. Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các công ty như FPT, VinGroup đã đầu tư mạnh vào R&D và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và dữ liệu lớn (big data) để phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.

Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong VIE50 đặc trưng bởi văn hóa đổi mới sáng tạo, tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, giúp nền kinh tế dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới. Đây được xem là những doanh nghiệp tương lai mang trong mình tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước hướng tới mục tiêu tăng trưởng và mở rộng thị trường trở lại. Đổi mới sáng tạo và cách tân một lần nữa tiếp tục trở thành một trong những động lực và ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh mới này. Trong khảo sát các doanh nghiệp VIE50 có đến 86% doanh nghiệp cho rằng đổi mới, sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 3-5 năm tới, trong đó chú trọng vào đổi mới sáng tạo cách tân về sản phẩm, công nghệ, quy trình và con người (Tăng nhẹ so với tỷ lệ 83.2% trong khảo sát các doanh nghiệp VIE50 năm 2023)

Xét về cơ cấu ngành nghề các doanh nghiệp VIE50, đa số tập trung trong 07 nhóm ngành nghề chính là: ngành Bất động sản – Xây dựng – Vật liệu xây dựng, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông, ngành Ngân hàng, ngành Dầu khí – Năng lượng – Điện, ngành Bảo hiểm, ngành Bán lẻ và ngành Logistics, với tỷ trọng tương ứng là 16%, 12%, 12%, 12%, 10%, 10%, 10%. So với cơ cấu ngành nghề trong bảng VIE50 năm 2023 xuất hiện thêm ngành mới là Bất động sản – Xây dựng trong số các ngành dẫn đầu về thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hiệu quả kinh doanh do đổi mới, sáng tạo mang lại vì những lý do chính như hội nhập quốc tế, sức ép cạnh tranh trong ngành, việc tăng cường đầu tư cho công nghệ và nhân lực trong bối cảnh kinh tế mới.

Xét về mặt quy mô doanh nghiệp, đa phần các doanh nghiệp VIE50 là các doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, doanh thu bình quân của các doanh nghiệp VIE50 trong năm 2023 đạt khoảng 62 nghìn tỷ đồng (tăng so với mức 45 nghìn tỷ đồng trong Bảng VIE50 năm 2023). Bên cạnh đó, danh sách VIE50 cũng ghi nhận một vài doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn vì những thành tích vượt bậc trong đổi mới sáng tạo, cách tân sản phẩm, dịch vụ hay quy trình, văn hoá doanh nghiệp và đây được xem là nền tảng, tiềm năng cho tăng trưởng trong tương lai.

Các doanh nghiệp VIE50 đã thể hiện bức tranh rõ ràng nhất về hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cách tân, đổi mới trong hoạt động của mình, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của thị trường. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp VIE50 được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trung bình giai đoạn 2021-2023, đạt tương ứng 27.85% và 54.80%.

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VIE50 của Viet Research tháng 4,5/2024

Đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp VIE50

Theo nghiên cứu của Viet Research và báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới sáng tạo có khả năng đóng góp tới 95% vào mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, 66% giá trị đổi mới sáng tạo sẽ tác động đến cuộc sống người dân. Các công ty chú trọng đến sự đổi mới và thay đổi trong tổ chức có một nền văn hóa mạnh mẽ vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. Các công ty có văn hóa đổi mới mạnh mẽ có mức tăng trưởng giá trị doanh nghiệp cao hơn 30% và mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 20% so với các công ty cùng ngành.

Từ kết quả nghiên cứu của Viet Research và khảo sát các doanh nghiệp trong VIE50 cho thấy về cơ bản, các doanh nghiệp VIE50 đang triển khai các hình thức đổi mới sáng tạo sau:

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VIE50 của Viet Research tháng 4,5/2024

  1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ chu trình SXKD

Các doanh nghiệp VIE50 đã đầu tư và triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ đột phá, các giải pháp chuyển đổi số, tự động hóa quy trình cho các hoạt động và quy trình của toàn hệ thống. Từ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, blockchain, thương mại điện tử, phân tích dữ liệu lớn, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo đến thực tế ảo và thực tế tăng cường, các doanh nghiệp đang từng bước chuyển mình để bắt kịp xu hướng toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ví dụ tập đoàn FPT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số bằng cách phát triển các sản phẩm như FPT.AI (nền tảng trí tuệ nhân tạo) và akaBot (nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot). Các sản phẩm này đã giúp nhiều doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình hoạt động, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

  1. Phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện có

Đây là hai hình thức đổi mới sáng tạo phổ biến trong các doanh nghiệp VIE50 hiện nay. Chiến lược phát triển sản phẩm cho phép các doanh nghiệp VIE50 tạo ra dòng sản phẩm đổi mới nhằm phá vỡ sự cạnh tranh và làm hài lòng khách hàng. Mục đích của chiến lược phát triển sản phẩm là đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách đặt sản phẩm ở vị trí tốt nhất có thể để thúc đẩy các mục tiêu kinh doanh như tăng trưởng doanh số, doanh thu và lợi nhuận.

VinGroup đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Vingroup Innovation Foundation (VINIF) tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ. Sản phẩm như xe điện VinFast đã gây ấn tượng không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, giúp nâng cao vị thế của công nghiệp sản xuất Việt Nam.

  1. Đổi mới mô hình kinh doanh

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp VIE50 đã triển khai nhiều đổi mới trong mô hình kinh doanh nhằm thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Các mô hình kinh doanh số, tài chính số, kinh tế chia sẻ, blockchain, kinh doanh xanh, dữ liệu lớn và dịch vụ khách hàng thông minh đều đã được áp dụng thành công, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ví dụ như Vinamilk đã áp dụng mô hình kinh doanh xanh và bền vững bằng cách đầu tư vào các công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển các sản phẩm hữu cơ. Vinamilk cũng triển khai nhiều sáng kiến để giảm thiểu tác động môi trường, như sử dụng năng lượng tái tạo và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Điều này không chỉ giúp Vinamilk nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn cải thiện hình ảnh thương hiệu và đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững.

  1. Sáng tạo trong dịch vụ khách hàng

Các doanh nghiệp VIE50 đã chủ động đưa nhiều sáng tạo trong dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, Big Data, VR/AR, và tự động hóa đã giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng cường sự hài lòng và tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Viettel Group đã đầu tư mạnh vào công nghệ AI để cải thiện dịch vụ khách hàng. Hệ thống chăm sóc khách hàng thông minh của Viettel sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động trả lời các câu hỏi thường gặp, hỗ trợ khách hàng 24/7, và phân tích dữ liệu để cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn tăng cường sự hài lòng của khách hàng.

  1. Đổi mới trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng

Những đổi mới điển hình trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp VIE50 có thể kể đến từ việc ứng dụng công nghệ IoT, AI, Big Data, tự động hóa và robot hóa, đến việc sử dụng blockchain, công nghệ in 3D và số hóa quy trình quản lý. Ví dụ VinGroup đã áp dụng AI và Big Data trong sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt trong các dự án như VinFast. Công nghệ này giúp dự đoán nhu cầu, quản lý tồn kho hiệu quả và tối ưu hóa quy trình sản xuất. VinFast cũng sử dụng AI để phân tích dữ liệu từ dây chuyền sản xuất, cải tiến quy trình và giảm thiểu lãng phí.

  1. Phát triển bền vững và công nghệ xanh

Điển hình trong đổi mới sáng tạo thông qua phát triển bền vững và công nghệ xanh là các doanh nghiệp VIE50 đẩy mạnh tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sản xuất và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, xây dựng xanh, quản lý và tái chế chất thải, đến các sáng kiến năng lượng sinh học và sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp đã cho thấy cam kết mạnh mẽ đối với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Những nỗ lực này không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai.

3 Động lực – 4 thách thức đối với đổi mới sáng tạo thành công trong các doanh nghiệp VIE50

Nguồn: Kết quả khảo sát và nghiên cứu các doanh nghiệp VIE50 của Viet Research tháng 4,5/2024

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp VIE50 tháng 5 của Viet Research cho thấy có 3 động lực chính cho các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bao gồm:

  1. Nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và văn hóa đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ cả trong và ngoài nước. Đổi mới sáng tạo trở thành công cụ then chốt giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm chi phí. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị phần mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

  1. Áp lực từ người tiêu dùng

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đã tạo ra áp lực lớn lên các doanh nghiệp. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao hơn, an toàn hơn và thân thiện với môi trường. Để đáp ứng những yêu cầu này, doanh nghiệp phải liên tục cải tiến và đổi mới.

  1. Sự phát triển của khoa học và công nghệ

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (big data) đã mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp. Việc áp dụng các công nghệ này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra các mô hình kinh doanh mới, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp VIE50 cũng cho biết có 4 thách thức trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo cách tân:

  1. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực này. Các chương trình đào tạo và giáo dục hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu về kỹ năng kỹ thuật và quản lý đổi mới sáng tạo. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân nhân tài.

  1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như mạng lưới internet, các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các khu công nghệ cao là rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam còn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đặc biệt, tại các vùng nông thôn và các khu vực ngoài thành phố lớn, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng kỹ thuật gây cản trở lớn cho các doanh nghiệp muốn triển khai các dự án đổi mới sáng tạo.

  1. Thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam còn hạn chế. Việc thiếu sự liên kết này dẫn đến tình trạng các nghiên cứu khoa học khó chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần một cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức nghiên cứu để tận dụng được tri thức và công nghệ mới nhất.

  1. Bảo mật dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ

Rủi ro và chi phí liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng các sản phẩm và sáng kiến của họ có thể bị sao chép mà không có sự bảo vệ thích đáng từ pháp luật. Điều này làm giảm động lực đầu tư vào các hoạt động đổi mới sáng tạo, vì họ lo ngại không thể thu hồi vốn đầu tư.

Trong bối cảnh sân chơi kinh tế toàn cầu và trong nước đang diễn ra những cuộc chuyển đổi căn bản và sâu sắc về dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, cách mạng trí tuệ nhân tạo, biến đổi về địa chính trị, thương mại quốc tế, nhân khẩu học, các doanh nghiệp toàn cầu và Việt nam trong tất cả các ngành kinh tế chủ lực không có cách nào khác ngoài việc liên tục tái cơ cấu và đổi mới, sáng tạo để thích ứng với bối cảnh bất định, sẵn sàng vượt qua thách thức và nắm bắt những cơ hội luôn nảy sinh.

Trong thời đại mà việc đứng yên đồng nghĩa với việc bị tụt lại phía sau, thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp phải đối mặt không chỉ là đổi mới mà còn phải đổi mới một cách bền vững và hiệu quả. Chiến lược đổi mới kinh doanh là một yếu tố cốt lõi cho sự thành công lâu dài của bất kỳ doanh nghiệp nào. Chiến lược đổi mới sáng tạo cho phép các doanh nghiệp trong VIE50 đi trước đối thủ cạnh tranh, thích ứng với những điều kiện thị trường đang thay đổi và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Các xu hướng lớn của xã hội, tiến bộ công nghệ đột phá và cạnh tranh giữa các đối thủ truyền thống và những đối thủ mới ngày càng quyết liệt, đồng thời cũng chứa đựng tiềm năng lớn nhất cho tăng trưởng và chuyển đổi. Doanh nghiệp nào có thể chứng minh họ mang đến những giá trị mới, cách tân và khác biệt cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng thì sẽ nắm bắt được tiềm năng đó và có sự chuẩn bị cho chính mình trước thành công trong giai đoạn tiếp theo của thị trường.

Lễ Công bố và Vinh danh các doanh nghiệp trong Danh sách Top 50 Doanh nghiệp Đổi mới, Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2024 với chủ đề “Cách tân để Phát triển” tại Khách sạn Pullman, Hà Nội vào ngày 24 tháng 06 năm 2024 và được đăng tải tại cổng thông tin của Chương trình https://vie50.vn/ và trên các kênh truyền thông đại chúng.